MTTL TẠI NHẬT

MTTL tại Nhật

 

 

Bộ 'Thiền Luận' của giáo sư Daisetz T. Suzuki xuất bản tại Sài Gòn năm 1971 tới nay là được 50 năm, ít ai ngờ rằng giữa tác giả và hội TTH có liên hệ ít nhiều, với chuyện diễn ra như sau. Ông Olcott, chánh hội trưởng hội TTH tại Adyar đã viếng thăm Nhật Bản hai lần, năm 1889 và 1891, nhưng sau đó không có hoạt động gì đáng nói của Theosophy tại đây. Tháng ba năm 1920 một hội viên là ông James H. Cousin sang Nhật dạy môn thi ca Anh ngữ hiện đại ở đại học Keio tại Tokyo, ông giúp lập chi bộ tên Tokyo International, với danh sách 21 hội viên đầu tiên.
Trong số các vị này có tên của bà Beatrice Lane (phu nhân giáo sư D.T. Suzuki), bà Emma Erskine Hahn (mẹ bà Beatrice Lane), và giáo sư D.T. Suzuki. Tới tháng Chín cùng năm, chi bộ có thay đổi thành phần ban trị sự và giáo sư Suzuki giữ chức chi trưởng. Ngoài các hội viên người Nhật, chi bộ còn có hội viên thuộc các nước khác như Hoa Kỳ, Đại Hàn, Hy Lạp, Anh, Ấn, Nga, Scotland, Đức v.v. thế nên khi các hội viên này dần dà về nước, và ông bà Suzuki đi Kyoto tới chỗ làm mới của ông tại đại học Otani ở đây khoảng tháng 10 năm 1921, chi bộ bớt lần các cuộc họp và năm 1923 không còn chi bộ TTH tại Tokyo. Tuy hiện hữu chỉ có gần hai năm, chi bộ sinh hoạt sôi động với nhiều buổi họp mặt lý thú, đông người tham dự, phần nào có lẽ do hội viên thuộc đủ các quốc tịch.
Về phần ông bà Suzuki, khi đến Kyoto hai người lập một chi bộ mới tên Mahayana vào ngày lễ Hoa Sen Trắng năm 1924, và bà Beatrice Suzuki đều đặn gửi phúc trình hằng năm cho Adyar từ 1924 đến 1928, viết về sự thành lập chi bộ, số hội viên, các vấn đề gặp phải để giữ cho chi bộ hoạt động, và vì sao TTH khó phát triển tại Nhật. Bà ghi:
– ... Đây là chi bộ thứ hai được thành lập tại Nhật… có 14 hội viên, trong đó 11 người là các giáo sư đại học Otani và Ryukoku, với cả hai nơi này là đại học Phật giáo… Chúng tôi dự tính sẽ mở những buổi giảng hàng tháng…
Tới lúc này ở Tokyo có một chi bộ mới tên Orpheus. Số hội viên của chi bộ Tokyo International nay phân ra nhập vào hai chi bộ Orpheus và Mahayana, cũng như hội viên chi bộ Orpheus đến nói chuyện tại chi bộ Mahayana. Tài liệu các bài giảng tại chi bộ sau có đề tài về Phật giáo hay Theosophy, với dự tính là về sau sẽ gộp lại xuất bản thành sách, đóng góp cho công cuộc phổ biến Theosophy.
Năm 1925 bà Beatrice Suzuki gửi sang Adyar một bức họa của Nhật để dự vào cuộc triển lãm nghệ thuật tại Adyar. Tranh vẽ đức Phật và đức Văn Thù Bồ tát cùng nhiều vị Bồ tát khác, và sau đó bà hiến tặng tranh cho nhà bảo tàng Blavatsky hay thư viện tại Adyar. Bài phúc trình viết:
– … Đây là một chi bộ nhỏ và điều kiện không cho phép có sinh hoạt lớn, nhưng mục tiêu của hội viên là giữ cho ngọn lửa cháy sáng ở Nhật, và tuy ngọn lửa không rực sáng dầu vậy không hề để cho tàn lụi.
Phúc trình năm 1926 cho biết tuy có người rời chi bộ nhưng cũng có người mới gia nhập, số hội viên là vẫn 14 người, và ông bà Suzuki có thu xếp để nay các buổi họp diễn ra tại nhà của hai vị. Năm 1927 báo cáo ghi một hội viên là bà Emma Erskine Hahn, mẹ bà Suzuki qua đời và một hội viên khác dời chỗ nên chi bộ nay còn 12 người. Họ có hội viên Úc đến thăm và nói chuyện, và dự tính sẽ cho xuất bản tập sách nhỏ giới thiệu Theosophy cho người muốn tìm hiểu.
Năm 1928 có việc chi bộ xuất bản cuốn sách đầu tiên, là sách dịch sang Nhật ngữ. Bà Beatrice Suzuki tỏ ý mong các diễn giả TTH sẽ đến Nhật nói chuyện. Các hội viên trong chi bộ cho rằng Theosophy có vẻ khó phát triển tại Nhật, vì chỉ dạy của TTH tương tự như triết lý Phật giáo nên đối với người Nhật, Theosophy được xem không phải là điều chi mới lạ, mà chỉ là một nhánh khác của Phật giáo là điều họ đã biết, và bởi lý do ấy, họ không để ý cho lắm tới Theosophy.
Có nhiều đại sư Phật giáo xuất hiện ở Nhật lúc gần đây, người Nhật nghĩ là họ chưa hấp thụ hết các lời dạy của những vị này nên không thấy có gì cần phải tìm kiếm thêm ở nơi nào khác. Theo bà, họ có sự gắn bó chặt chẽ với các vị lãnh đạo tôn giáo của mình và không hướng ra ngoài.
Đây là báo cáo chót của bà, sau ngày 28 tháng 11 năm 1928, ta không còn báo cáo nào khác, tuy rằng chi bộ thỉnh thoảng còn họp trong năm 1929.
Lần chót ta được tin về ông bà Suzuki là vào năm 1930. Khi ấy ông C. Jinarajadasa có chuyến viếng thăm ngắn ở Tokyo, ông giảng hai buổi tại chi bộ Miroku (Maitreya - Di Lặc), và cả hai buổi này được giáo sư Suzuki thông dịch sang Nhật ngữ.
Ngoài lý do về khó khăn trong việc quảng bá Theosophy tại Nhật đã ghi ở trên, thư khác từ chi bộ thứ ba tại Tokyo năm 1928 cho biết thêm là việc hội viên thuộc nhiều nước làm chi bộ khó có sinh hoạt liên tục, vì họ kẻ trước người sau rời khỏi Nhật để về nước mình hay đi nơi khác. Thư viết vào tháng hai năm 1928:
– Chi bộ đầu tiên Tokyo International ngưng hoạt động không lâu sau khi người sáng lập là ông Cousins về Ấn; rồi chi bộ thứ hai là Orpheus cũng không còn sinh hoạt khi chi trưởng là ông Labberton ra đi, và nay chi bộ thứ ba cũng tên Tokyo International đang bắt đầu nếu thuận tiện.
Một vấn đề nữa được nêu trong cùng thư là ngôn ngữ.
– Chuyện khó là người ngoại quốc không nói tiếng Nhật, và người Nhật không nói tiếng Anh ngoại trừ một số rất nhỏ các giáo sư Nhật bận rộn; còn thì ai khác không quan tâm gì đến các vấn đề tôn giáo.
Diễn biến của  chi bộ TTH tại Tokyo khác với tại Kyoto. Hai chi bộ đầu có vẻ như tùy thuộc vào một số hội viên ngoại quốc, họ lại không ở đó lâu, và việc họ ra đi làm cho nhóm không còn hoạt động. Nhóm thứ ba lập vào cuối thập niên 1920 kéo dài lâu hơn, và sinh hoạt Theosophy tại Nhật tiếp tục linh hoạt cho đến đầu Thế chiến II.
Sau cuộc chiến, một nhóm TTH được tái linh hoạt tại Tokyo năm 1947 và nó còn tiếp tục đến ngày nay. Số hội viên tại Nhật không nhiều, nhưng luôn luôn có một nhóm nhỏ nồng cốt gồm những người dốc lòng tận tụy.
Nói thêm thì lâu trước đó, các tăng sĩ tại chùa Hishi Hongwanji ở Kyoto cùng với thân hữu của họ đã lập một chi bộ TTH, nhưng người ta không biết mấy về sinh hoạt của nhóm này. Năm 1910 quyển The Key to Theosophy được dịch sang Nhật ngữ và xuất bản; sau đó chi bộ Tokyo International thứ nhất ra đời.
Về bà Beatrice Lane, tài liệu ghi bà sinh tại New Jersey, tốt nghiệp cao học tại đại học Columbia. Hai ông bà gặp nhau khi cùng học ở đại học ở Đức, và họ thành hôn năm 1911 tại Yokohama, Nhật Bản. Bà cùng làm việc trong các hoạt động của chồng, và qua đời năm 1939. Năm trước đó, bà cho xuất bản tác phẩm riêng của mình tên Mahayana Buddhism, sách được khen ngợi và vẫn còn được in ra ngày nay.
Về giáo sư Suzuki, ông giảng dạy tại nhiều đại học khác nhau ở Nhật; hai ông bà xuất bản một tạp chí ra bốn lần trong năm bằng Anh ngữ, tên Eastern Buddhism, cũng như viết nhiều sách diễn giải Phật giáo cho phương Tây. Sau thế chiến II, ông sang Hoa Kỳ dạy ở một số trường trong đó có đại học Columbia và đại học California tại Berkeley. Ông sống tới 95 tuổi và ảnh hưởng cả một thế hệ người Mỹ qua các lớp ông dạy, và nhiều sách ông viết về Phật giáo.

Theo:
Beatrice Lane Suzuki and Theosophy in Japan
Theosophical History, July 2005, vol XI, No. 3